Clair Obscur: Expedition 33 – Nước Pháp từ lâu đã là một trong những nơi “sản xuất” ra những nhà phát triển game hàng đầu châu Âu cũng như trên toàn thế giới, tiêu biểu như Ubisoft (dòng Assassin’s Creed, Far Cry, Splinter Cell…), Quantic Dream (Heavy Rain, Beyond Two Souls, Detroit: Become Human…), Asobo Studio (dòng A Plague Tale)…
Tiếp nối truyền thống ấy, những nhân tài từng góp phần tạo nên thành công của Ubisoft đã tách ra để thành lập Sandfall Interactive – một studio độc lập đầy tham vọng, và tại Xbox Games Showcase 2024, họ chính thức ra mắt tựa game đầu tay mang tên Clair Obscur: Expedition 33.
Lấy cảm hứng mạnh mẽ từ các tựa game JRPG như dòng Final Fantasy, dòng Persona và Lost Odyssey, hãng đã hứa hẹn sẽ cách tân và tạo nên một tựa game nhập vai theo lượt mới mẻ, những thứ vốn đã bị các hãng phát triển AAA “làm lơ” vì rủi ro tài chính cao.
Vậy, liệu Clair Obscur: Expedition 33, tựa game đầu tay đầy tham vọng của Sandfall Interactive, có thật sự làm được những gì mà studio muốn hướng tới? Tham vọng ấy có đủ sức biến thành một trải nghiệm đáng nhớ?
Hãy cùng Vietgame.Asia xem qua nhé!
BẠN SẼ THÍCH

CUỘC VIỄN CHINH THẢM HỌA!
Clair Obscur: Expedition 33 lấy bối cảnh giả tưởng lấy cảm hứng từ Thời Kỳ Tươi Đẹp (Belle Époque) nước Pháp. Cách đây 67 năm trước sự kiện chính, người dân của thành phố Lumière đã phải chịu một sự kiện khác thường mang tên “Gommage”, khi một thực thể mang tên Paintress thực hiện nghi thức đếm ngược mỗi năm, và những ai có tuổi lớn hơn hoặc bằng con số đó đều biến mất trong tíc tắc.
Mỗi năm, thành phố gửi các đoàn viễn chinh hòng triệt hạ thực thể này để mang lại bình yên cho mọi người, và lần này, đến lượt Đoàn viễn chinh 33 thực hiện sứ mệnh cao cả này. Chàng kỹ sư Gustave, người chỉ còn vỏn vẹn 1 năm ngắn ngủi để tồn tại trên cõi đời này, đã hạ quyết tâm tham gia đợt viễn chinh với hi vọng chấm dứt chu kỳ đen tối này.
Thế nhưng, liệu cuộc hành trình này có được êm đẹp, khi không ai còn sống để trở về trong suốt 67 năm qua? Tai họa nhanh chóng ấp đến với Đoàn 33 khi vừa cập bến đến hòn đảo của Paintress. Gần như toàn bộ thành viên đã bỏ mạng trước sự chứng kiến của Gustave! Là một trong những người hiếm hoi còn sống sót, Gustave sẽ làm gì?
Phần mở đầu vốn nhẹ nhàng nhưng nhanh chóng hóa thảm họa của Clair Obscur: Expedition 33 như báo hiệu hành trình đầy thăng trầm của đoàn viễn chinh. Các sự kiện xảy ra dồn dập xuyên suốt trò chơi đã khiến cho người chơi không thể nào rời mắt, rời tay khỏi game mà luôn tò mò xem cái gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đến khi nhận ra thì… đã hàng tiếng trôi qua rồi!

Mô típ cốt truyện của game vốn là thứ rất quen thuộc của thể loại nhập vai – tổ đội anh hùng giải cứu thế giới khỏi diệt vong. Vậy mà, với cách kể chuyện và dẫn dắt hết sức tinh tế, game đã tạo nên một trải nghiệm đầy cảm xúc cho người chơi.
Dàn nhân vật trong tổ đội cũng để lại dấu ấn cực kỳ sâu sắc, ai cũng có quá khứ và nỗi đau riêng. Những cuộc hội ngộ đầy nụ cười, những cuộc chia ly đầy nước mắt, tất cả đều hiện hữu trong game. Các diễn viên lồng tiếng thật sự đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình để lột tả nhân vật và mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người chơi, đặc biệt là khi các bí mật về sự kiện này dần được hé lộ.
Phần mở đầu vốn nhẹ nhàng nhưng nhanh chóng hóa thảm họa của Clair Obscur: Expedition 33 như báo hiệu hành trình đầy thăng trầm của đoàn viễn chinh

LỐI CHƠI “MỚI LẠ”!!!
Một trong những điểm độc đáo mà bạn sẽ thấy trong lối chơi của Clair Obscur: Expedition 33 là việc đan xen giữa lối chơi theo lượt đậm chất JRPG và các vài yếu tố thời gian thực.
Như bao tựa game theo lượt khác, người chơi sẽ điều khiển nhân vật trong tổ đội và sử dụng các hành động quen thuộc như đánh, bắn tầm xa, thi triển kỹ năng và sử dụng vật phẩm.
Nếu sử dụng bắn tầm xa, bạn sẽ phải nhắm thủ công, nếu bắn vào điểm yếu của kẻ địch, chúng sẽ nhận nhiều sát thương hơn và một số cơ chế tấn công/phòng thủ của chúng sẽ hoàn toàn bị vô hiệu, giúp cho bạn “dễ thở” hơn trong lúc chiến đấu.
Khi thi triển kỹ năng, bạn sẽ cần phải canh nhịp để bấm sự kiện thời gian nhanh (QTE) một cách chuẩn xác để có thể sử dụng chúng một cách hoàn mỹ nhất. Nếu bạn đã từng “kinh” qua Like A Dragon: Infinite Wealth hay các tựa game “cổ” hơn như Legend of Dragoon hay Lost Odyssey, thì chắc sẽ không lạ gì cơ chế này. Tuy không quá mới mẻ, nhưng chúng giúp cho các trận chiến không trở nên quá rập khuôn và vẫn có những biến số nhất định tùy thuộc vào khả năng của bạn.
Một điểm trừ nho nhỏ là các nút nhấn hiện lên không quá rõ ràng, có phần bị lấn át khá nhiều bởi môi trường cũng như hiệu ứng kỹ năng.

Vậy có điều gì khiến cho cơ chế chiến đấu của Clair Obscur: Expedition 33 nổi bật so với “đồng môn” của mình? Tất cả nằm ở cơ chế phòng thủ chính mà bạn sẽ phải tương tác rất nhiều trong game – Đỡ và Né.
Đúng vậy, game không hề cho phép bạn “phòng thủ trong một lượt để giảm sát thương nhận vào”, việc sinh tồn trong chiến đấu hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng Đỡ/Né của bạn, tương tự như các tựa game… Souls-like. Né thường có khoảng thời gian rộng hơn để bạn khó mắc sai lầm, thế nhưng Đỡ hoàn hảo mọi đòn của kẻ địch sẽ cho phép bạn lập tức phản công và gây sát thương ngược lại bọn chúng.
Thoạt nghe thì thấy game hơi khó nhằn, nhưng các đòn đánh của kẻ địch thường có một đoạn âm thanh báo hiệu rõ ràng và tương đối mạnh để bạn chú ý, khi bấm đúng nhịp báo hiệu thì tỉ lệ đỡ/né của bạn gần như tuyệt đối. Nếu như làm chủ được cơ chế này, bạn sẽ cực kỳ “bá đạo” và các cuộc giao đấu gần như một điệu nhảy.
Tuy có phần hơi tập trung vào kỹ năng cảm nhịp, song, Clair Obscur: Expedition 33 vẫn là một tựa game nhập vai theo lượt đúng nghĩa bởi vô vàn khả năng kết hợp với độ dày chiến thuật cực kỳ cao. Nếu bạn gặp bất lợi chỉ vì không thể canh nhịp như ý muốn, thì việc xây dựng đội hình và lựa chọn lối chơi chuẩn xác cho từng nhân vật hoàn toàn có thể bù đắp khiếm khuyết này.
Mỗi nhân vật trong tổ đội không chỉ khác nhau về chỉ số, mà bản chất cách chơi của họ hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn như Gustave thì xoay quanh cơ chế Overcharge để tích tự năng lượng và gây sát thương, Luna tận dụng việc nạp và xả Stain để có thể kích hoạt các hiệu ứng đi kèm cho kỹ năng, hay Maelle thì xoay quanh khả năng chuyển đổi thế đánh,…
Các kỹ năng mà bạn “mở khóa” cho họ cũng sẽ xoay quanh những cơ chế này, bạn sẽ cần suy nghĩ thật kỹ để lựa chọn 6 kỹ năng tốt nhất, phù hợp nhất với bạn và phát huy tối đa sức mạnh của nhân vật. Không chỉ vậy, chúng thường sẽ có khả năng bổ trợ tốt cho nhau, cũng như giữa các nhân vật với nhau. Chẳng hạn như Gustave với kỹ năng đánh để đánh dấu (Mark) kẻ địch, còn Luna thì có thể bắn cầu lửa để tăng khả năng thiêu đốt lên những tên này.

Tương ứng với từng nhân vật, họ sẽ có một loại vũ khí chuyên dụng riêng, và thay vì mang đến hàng “tấn” vũ khí vô thưởng chỉ khác nhau chỉ số, thì với Clair Obscur: Expedition 33, mỗi loại sẽ chỉ sở hữu một “khiêm tốn” vũ khí, nhưng chúng hoàn toàn định hướng cách bạn sẽ xây dựng bộ kỹ năng và cách chơi cho mỗi nhân vật. Các vũ khí này còn có cấp độ, mỗi khi lên cấp chúng sẽ tăng chỉ số và mở khóa thêm các hiệu ứng phụ khác để đưa nhân vật lên tầm cao mới.
Bổ trợ cho hệ thống kỹ năng và vũ khí là các phụ kiện có thể trang bị được mang tên Picto. Một nhân vật có thể trang bị tối đa 3 Picto. Mỗi Picto sẽ cung cấp chỉ số chiến đấu cùng với một hiệu ứng bị động. Khi trang bị Picto và tham gia đủ 4 trận chiến, hiệu ứng bị động của Picto sẽ không phụ thuộc vào Picto nữa, thay vào đó, bạn có thể trang bị chúng bằng cách sử dụng Lumina – một loại điểm đặc biệt.
Với cách này, bạn sẽ không còn bị ràng buộc bởi giới hạn 3 Picto nữa, mà hoàn toàn có thể sở hữu nhiều hiệu ứng bị động hơn, miễn là nhân vật của bạn có đủ Lumina để kích hoạt.
Với vô vàn khả năng tùy biến khác nhau, Clair Obscur: Expedition 33 thật sự cho phép người chơi có thể “bung lụa” để thử nghiệm hàng loạt những chiến thuật và lối chơi khác nhau.
…phần chơi chiến thuật theo lượt tuy không phải “công thức” thường thấy của dòng game này, nhưng lại được triển khai một cách khéo léo và cực kỳ gây nghiện

HÌNH, ÂM MÃN NHÃN
Đan xen giữa các khoảnh khắc thăng trầm trong cốt truyện và trận chiến đầy cam go là những giây phút thả hồn vào phần môi trường tuyệt đẹp của Clair Obscur: Expedition 33.
Có thể nói, đây là một trong những tựa game thật sự tận dụng sức mạnh của Unreal Engine 5 một cách triệt để nhất. Mọi khung cảnh trong game thật sự làm hớp hồn người chơi, chúng đều mang những nét rất riêng và đáng nhớ, từ những cánh đồng hoa bạt ngàn tại Spring Meadows cho đến những tàn tích của Forgotten Battlefield.
Không chỉ ấn tượng về phần hình ảnh, mà cách lột tả môi trường lẫn ánh sáng đều được hãng phát triển làm khá chỉn chu. Chỉ duy nhất những nơi quá thiếu sáng như các hang động tối là có đôi phần gây cản trở trong chiến đấu đôi chút.
Để thật sự lột tả được bầu không khí cho từng phân cảnh, không thể nào không nhắc đến các đoạn nhạc đầy mê hoặc của Lorien Testard. Chúng thật sự đẩy mạnh trải nghiệm ở mọi khía cạnh, từ những bản nhạc nền khi đi thám hiểm ở từng khu vực, cho đến những đoạn nhạc đầy máu lửa khi đánh trùm.
Đan xen giữa các khoảnh khắc thăng trầm trong cốt truyện và trận chiến đầy cam go là những giây phút thả hồn vào phần môi trường tuyệt đẹp của Clair Obscur: Expedition 33
BẠN SẼ GHÉT

NHỮNG ĐIỂM TRỪ NHỎ NHẶT
Clair Obscur: Expedition 33 thật sự là một tựa game đầu tay cực kỳ xuất sắc, thật sự khó tin được đây là một tựa game được làm bởi studio chỉ vỏn vẹn 30 người (chưa tính nhân lực gia công). Thế nhưng, game vẫn có những “hạt sạn” vặt khiến cho trải nghiệm không được toàn vẹn.
Đầu tiên, phải kể đến việc xử lý góc quay hơi nhiều và gây cảm giác khó chịu. Trong các phân đoạn cắt cảnh và chiến đấu, camera thay đổi tương đối nhiều và có phần hơi gây chóng mặt.
Việc sử dụng nhiều hiệu ứng xử lý hậu kỳ (post-processing) để tạo cảm giác cổ điển và điện ảnh, cũng góp phần mang đến cảm giác khó chịu cho người chơi. Nếu bạn dễ bị chóng mặt, bạn sẽ cần phải vào phần tùy chỉnh và vọc vạch các hiệu ứng xử lý, cũng như tốc độ chuyển động camera để tránh việc này ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi.

Tiếp đến, giao diện của trò chơi thật sự không thân thiện cho người dùng lắm. Trong chiến đấu, bạn phải tốn tương đối nhiều bước để lựa chọn qua lại các kỹ năng, càng chơi thì thao tác này càng rườm rà. Giao diện tùy chỉnh kỹ năng và trang bị cũng không thật sự quá thân thiện, đặc biệt khi bạn sở hữu quá nhiều Picto, mỗi lần rà soát để lựa chọn Picto hay Lumina phù hợp cũng tương đối khó khăn.
Các màn chơi tuy rất đẹp, rất mãn nhãn, thế nhưng có phần hơi khó để định vị, có vài màn chơi được tạo ra như mê cung nhưng lại không điều hướng người chơi đủ tốt, khiến cho việc khám phá khá chật vật, sẽ tốt hơn nếu game cung cấp một cách nào đó hỗ trợ người chơi biết được họ ở đâu, hoặc làm cho các ngóc ngách trong màn dễ nhớ hơn chút. Một số màn còn cực kỳ thiếu sáng, rất khó để thấy được kẻ địch hay các vật phẩm để lựm.
game vẫn có những “hạt sạn” vặt khiến cho trải nghiệm không được toàn vẹn